Đăng ký tư vấn
Hỗ trợ trực tuyến

DẠY TRẺ GIỮ AN TOÀN Ở KHU VUI CHƠI

  17/01/2019

            Khu vui chơi là nơi trẻ có thể là chính mình và khám phá mọi thứ. Các thiết bị vui chơi ở đây luôn hấp dẫn nhưng cũng tiềm ẩn một số nguy hiểm cho trẻ. Bạn hãy tìm hiểu những cách giữ an toàn ở khu vui chơi để con có niềm vui trọn vẹn nhé.

            Bố mẹ thường cho rằng khu vui chơi cho trẻ em là nơi an toàn, tuy nhiên tai nạn ở khu vui chơi xảy ra khá phổ biến dù nơi này được thiết kế cẩn thận. Khu vui chơi có rất nhiều thiết bị vui chơi thú vị như cầu tuột, xích đu, thang leo… Mỗi trò đều có thiết kế khác nhau nên đều cần có cách giữ an toàn riêng. Bố mẹ hãy lưu ý và trang bị cho trẻ những kỹ năng giữ an toàn cần thiết đối với các trò chơi phổ biến trong khu vui chơi nhé.

1. Nguyên tắc chung:

- Không được đẩy bạn hay nô đùa thái quá khi đang chơi.

- Không chơi các thiết bị đang ướt vì nước có thể làm bé trượt chân.

- Kiểm tra cẩn thận các thiết bị vui chơi vào mùa hè. Những thiết bị này có thể rất nóng và gây bỏng khi để dưới nắng gắt mùa hè, đặc biệt là máng tuột bằng sắt, tay cầm và bậc thang. Nếu bé thấy nóng khi chạm vào thì thiết bị đó không an toàn vì trẻ có thể bị bỏng chỉ sau vài giây chơi trên thiết bị đó.

- Cho trẻ mặc quần áo gọn gàng. Các loại áo nhiều dây buộc, ví hay dây chuyền đều có thể mắc vào thiết bị vui chơi và làm bé ngạt.

2. Xích đu

            Hầu hết trẻ em đều rất thích chơi xích đu vì trẻ sẽ được "bay" lên thật cao. Hơn nữa, chơi xích đu còn giúp trẻ rèn luyện sức mạnh ở vùng thắt lưng và bụng. Tuy nhiên xích đu là một trò dễ gây tai nạn. Cha mẹ hãy hướng dẫn con chơi một cách an toàn như:

- Đối với trẻ dưới 3 tuổi, chỉ nên chọn xích đu dạng ghế ngồi, thấp và đung đưa nhẹ nhàng. Ghế ngồi của xích đu nên được làm từ những vật liệu mềm như cao su hay nhựa. Bạn nên tránh cho con chơi xích đu bằng gỗ hay sắt.

- Ngồi vững vàng và nắm chắc dây xích đu bằng cả hai tay, khi chơi chú ý giữ chân thẳng, hướng mũi chân lên trên. Vì nếu bàn chân lúc xuống dưới sẽ khiến hai chân chạm đất, gây ra vết thương ngoài da hoặc ngã.

- Trẻ cần đợi xích đu hoàn toàn dừng hẳn nếu muốn lên hoặc xuống xích đu.

- Đi dép chắc chắn, nếu đi giày, buộc dây giày gọn gàng vừa chân để tránh khi xích đu đang đu, đá mạnh sẽ khiến giày, dép văng khỏi chân, làm người khác bị thương.

- Giữ một khoảng cách an toàn và không nên đi hay chạy quanh xích đu khi người khác đang chơi xích đu.

- Không nên để nhiều trẻ cùng đu lên một lúc. Xích đu không an toàn khi có nhiều người cùng chơi.

3. Bập bênh

            Bập bênh là trò chơi truyền thống, giúp trẻ vận động lành mạnh và rèn luyện khả năng tương tác với người đối diện tốt hơn. Có rất nhiều loại bập bênh với kích thước khác nhau. Vì thế khi cho con chơi, các bậc phụ huynh cần chọn bập bênh phù hợp với độ tuổi và cân nặng của bé.

- Chỉ cho bé chơi bập bênh khi bé đã cứng cáp vì trò này đòi hỏi vận động nhiều bằng lực chân, nâng lên hạ xuống. Nếu kết cấu khung xương của con chưa hoàn thiện thì sẽ nguy hiểm với an toàn và sức khỏe của bé.

- Trẻ chơi ở 2 đầu bập bênh nên có cân nặng tương đương để chơi an toàn hơn.

- Trẻ ở 2 phía đối diện trên bập bênh phải ngồi quay mặt vào nhau, không nên quay mặt ra ngoài.

- Trẻ cần nắm chắc tay cầm của bập bênh bằng cả hai tay và không được dùng tay đẩy bập bênh. Hai chân của trẻ phải để sang hai bên tránh kiểu ngồi một bên.

- Trẻ cần giữ khoảng cách khi trẻ khác đang chơi bập bênh. Trẻ không được đứng hay ngồi dưới bập bênh, trèo lên bập bênh và đứng ở giữa khi nó vẫn đang chuyển động.

4. Cầu trượt

            Các bạn nhỏ đều thích cảm giác trượt từ trên cao xuống. Chơi cầu trượt quan trọng nhất là kỹ năng chuyển trọng tâm. Thông qua trò chơi này, trẻ có thể rèn luyện khả năng giữ thăng bằng và thúc đẩy sự phát triển của các cơ bắp, giúp cơ thể khỏe mạnh. Cầu trượt rất dễ chơi và khá an toàn nếu bé chơi đúng cách:

- Khi leo lên cầu truợt, trẻ phải dùng cầu thang, không được leo lên từ đầu máng trượt.

- Khi chuẩn bị trượt, ngồi duỗi thẳng chân, hai tay bám vào khung cửa trên cầu trượt. Khi sẵn sàng trượt mới thả tay ra và luôn giữ chân thẳng khi trượt xuống.

- Không nên nằm sấp hay ngồi ngược để trượt.

- Trượt từng bé một. Không trượt 1 lúc nhiều bé, không nên để bé ngồi trên đùi để trượt cùng bé.

- Trẻ nên kiểm tra xem chân máng trượt có vật cản không trước khi chơi Sau khi trượt, trẻ nên ra khỏi máng trượt ngay để không cản đường trẻ khác sắp xuống.

- Nhắc con không được đứng ở điểm trên cầu vì những trẻ phía sau có thể xô ngã xuống đất gây tai nạn.

- Bố mẹ nên hãy kiểm tra xem máng trượt có nóng không trước khi cho trẻ leo lên chơi. Có bé bỏng tới cấp độ 2 khi chơi cầu trượt nóng.

5. Các khu trò chơi liên hoàn, nhà cổ tích

            Khu trò chơi vận động liên hoàn hay nhà cổ tích có rất nhiều trò chơi leo trèo cho trẻ như leo núi, vòm leo hay thang dây. Đây là các trò chơi thú vị nhưng cũng khá nguy hiểm nên bạn hãy lưu ý những điểm sau:

- Bạn luôn phải để mắt đến con khi trẻ chơi những trò này. Bạn cũng cần dạy con cách leo bằng hai tay và cách cong gối và tiếp đất bằng cả hai chân khi nhảy xuống.

- Không để quá nhiều trẻ cùng leo một lúc.

- Khi trèo xuống, trẻ cần quan sát cẩn thận những trẻ đang leo lên.

- Không với hay trèo những nơi quá xa tầm tay.

- Trẻ cần chọn độ cao phù hợp với độ tuổi của mình. Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo không nên chơi những thiết bị leo trèo cao quá 1,5m, còn những trẻ đã trên 6 tuổi có thể chọn những thiết bị dưới 2m.

            Còn rất nhiều trò chơi khác nữa, bất kể con chơi trò chơi gì cha mẹ cũng không được bỏ mặc chúng tự chơi. Đối với mỗi trò chơi cha mẹ phải hướng dẫn con cách chơi an toàn nhất và giải thích cho trẻ những mối nguy cơ nếu không tuân thủ. Không nên chỉ giải thích một lần mà cần phải theo dõi xem trẻ có làm đúng hay không và nhắc đi nhắc lại cho đến khi trẻ nhớ và tự thực hiện ở lần chơi sau.

Sưu tầm

Bình luận

Tin tức mới Xem tất cả