Đăng ký tư vấn
Hỗ trợ trực tuyến

THUỐC KHÁNG SINH TRỊ BÁCH BỆNH?

  04/01/2019

     “Kháng sinh là con dao hai lưỡi. Nếu sử dụng đúng cách, nó sẽ cắt được bệnh nhiễm khuẩn. Nếu sử dụng không đúng hay lạm dụng, nó sẽ « cắt đứt tay » người sử dụng. »

     Các bậc cha mẹ luôn có tâm lý muốn con mình không bị bệnh khi còn bé, do đó, nếu trẻ bị bệnh, thì tâm lý muốn con mau khỏi bệnh khiến cha mẹ thường sử dụng thuốc kháng sinh cho con. Tuy nhiên, kháng sinh chỉ có tác dụng với vi khuẩn (bacteria), không có tác dụng với siêu vi (virus). Trong khi hầu hết trường hợp cảm (viêm họng, nhiễm khuẩn hô hấp trê, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản), ói, tiêu chảy, hay sốt ở trẻ em là do siêu vi gây ra. Vậy mà, rất nhiều bé phải uống hoặc chích kháng sinh chỉ vì những bệnh do siêu vi trên.

     Kháng sinh sử dụng bừa bãi như thế sẽ gây ra nhiều điều hại :

- Các tác dụng phụ của kháng sinh : tiêu chảy, ói, dị ứng, sốc phản vệ thậm chí tử vong.

- Đề kháng (nhờn) kháng sinh : sau này khi cần sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi trùng gây bệnh thì nó không còn tác dụng nữa, bởi vì vi trùng đã tìm được cách chống lại kháng sinh đó, và vì vậy người bệnh sẽ dễ bị nguy cơ bệnh nặng hơn và có thể tử vong.

- Kháng sinh, ngoài tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, còn tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi cho cơ thể. Những vi khuẩn có lợi này giúp tạo một môi trường cân bằng sinh thái ngay trong cơ thể để ngăn cản sự phát triển của những vi khuẩn có hại. Vì vậy, nếu sử dụng kháng sinh nhiều và không chính đáng thì cơ thể sẽ dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn hơn.

     Điều này dẫn đến hệ lụy khi trẻ uống kháng sinh nhiều thì rất dễ bị mắc bệnh nhiễm khuẩn, mỗi khi trẻ bệnh lại được cho uống kháng sinh, hết loại này đến loại khác dù bệnh vẫn chỉ là do siêu vi. Trong khi bệnh do siêu vi thì « thuốc điều trị » tốt nhất là thời gian, tức là phải chờ đủ thời gian cho cơ thể hồi phục lại.

     Một trong những câu hỏi mà phụ huynh các bé hay hỏi nhất là : « Nếu con tôi đã dùng nhiều kháng sinh những lần trước thì lần này không dùng kháng sinh nữa nó có hết không ? Hay nó có bị sao không bác sĩ ? » Câu trả lời là : « Nếu bé không sử dụng kháng sinh cho những lần bị những bệnh gây ra do nhiễm siêu vi như vậy nữa thì dần dần cơ thể bé sẽ được huấn luyện về miễn dịch và dần dần sức đề kháng của bé sẽ mạnh hơn, và bé sẽ ít bị những bệnh nhiễm khuẩn hơn, hoặc bé sẽ bị những bệnh đó nhưng sẽ lướt qua nhanh hơn. »

     Tuy nhiên, để phụ huynh có thể chấp nhận và chịu khó chờ đợi bé chống lại bệnh, cần phải có sự kiên nhẫn giải thích hay thuyết phục của bác sĩ (cần có thời gian nữa, cái mà các bác sĩ rất thiếu !) cùng sự thông hiểu và hợp tác từ phía gia đình của bé (mâu thuẫn trong gia đình là một trong những rào cản chính đối với những phụ huynh muốn tránh lạm dụng thuốc cho con mình). Đôi khi, sự hợp tác và hiểu biết của phụ huynh còn quan trọng hơn nỗ lực (hay thời gian) của bác sĩ giải thích nữa.

     Vì thế, quyết định « quay đầu lại » không dùng kháng sinh hay không là tùy thuộc ở phụ huynh các bé, tùy thuộc vào sự hiểu biết, kiên nhẫn và quan trọng nhất là sự hợp tác chặt chẽ với bác sĩ của con mình. Đã có rất nhiều trường hợp « quay đầu lại » thành công khi thực hành y khoa theo đúng chuẩn quốc tế : thực hành dựa trên chứng cứ y khoa tốt nhất cho bệnh nhân, dành thời gian để giải thích tư vấn và theo dõi sát sao diễn tiến bệnh của bệnh nhân. Do đó, các bé sẽ được hạnh phúc biết bao nếu như không bị bắt uống những thuốc (đắng) khi bị bệnh mà vẫn « đã tật ».

Nguồn: "Để con được ốm" - Uyên Bùi - BS. Nguyễn Trí Đoàn

Bình luận

Tin tức mới Xem tất cả