Đăng ký tư vấn
Hỗ trợ trực tuyến

Giúp trẻ sống có trách nhiệm từ khi còn nhỏ

  14/07/2017

Giúp trẻ sống có trách nhiệm từ khi còn nhỏ

Bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ là điều vô cùng quan trọng và không thể thiếu. Tình yêu của cha mẹ với con là vô bờ bến nhưng để trẻ phát triển hài hòa thì cha mẹ cũng cần bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm cho trẻ.

1.Trách nhiệm trong lời nói và việc làm

Hiện nay nhiều bậc phụ huynh không quan tâm đến việc bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm cho con, khi trẻ gặp phải chuyện gì đó bố mẹ sẵn sàng đứng ra gánh vác trách nhiệm thay cho con. Tuy nhiên bố mẹ không hề nghĩ rằng việc dạy trẻ trách nhiệm cũng là dạy trẻ làm người, để trẻ trưởng thành. Muốn bồi dưỡng cho con tình thần trách nhiệm cha mẹ cần:

Nghe ý kiến của trẻ về cuộc sống gia đình: Cha mẹ có thể hỏi ý kiến của trẻ về những chuyện trong gia đình và hỏi xem trẻ có cách giải quyết gì, nếu cha mẹ lắng nghe những ý kiến của trẻ và áp dụng những ý kiến có giá trị thì trẻ sẽ cảm thấy mình là người có trách nhiệm với gia đình.

  • Không ủng hộ trẻ mách lẻo: Trẻ có thói quen khi xảy ra bất cứ chuyện gì cũng đi mách lẻo với cha mẹ để cha mẹ giải quyết cho trẻ, hãy để cho trẻ tự suy nghĩ phương án giải quyết tình huống thay vì mách lẻo. Tuy nhiên cha mẹ cũng cần cân nhắc đến vấn đề an toàn với những ai có hành vi nguy hiểm đối với trẻ.
  • Dạy trẻ biết quan tâm, yêu thương người khác: Cha mẹ khuyến khích trẻ quan tâm đến mọi người xung quanh như những người có hoàn cảnh khó khăn, người già. Dạy trẻ cách chăm sóc người ốm.
  • Để trẻ làm những việc vặt trong gia đình: Trước khi yêu cầu trẻ làm việc gì thì cha mẹ cần nói rõ ràng cho trẻ hiểu, kiên nhẫn hướng dẫn trẻ và luôn động viên khích lệ trẻ.
     

giúp trẻ sống trách nhiệm hơn

2. Rèn luyện trách nhiệm thông qua quy tắc

  • Nói về các quy tắc: Cha mẹ hãy cho trẻ hiểu bất cứ nơi đâu cũng có các quy tắc và quy tắc sẽ giúp chúng ta sống tốt hơn. Cha mẹ phân tích cho con nếu không có những quy tắc thì cuộc sống sẽ như thế nào (luật lệ giao thông, thi đấu..) để từ đó trẻ có thái độ coi trọng các quy tắc hơn.
  • Bồi dưỡng kỹ năng quy tắc: Một số trẻ có ý thức nhất định về các quy tắc nhưng lại thường xuyên vi phạm, trong trường hợp này cha mẹ cần bồi dưỡng cho trẻ khả năng tự giải quyết vấn đề và nâng cao kỹ năng sống cho trẻ.
  • Bồi dưỡng tinh thần kỷ luật: Cha mẹ nên đưa ra các quy tắc cho cả gia đình cùng tuân thủ, khi cha mẹ vi phạm cũng phải chịu phạt, như vậy trẻ sẽ cảm nhận được tính nghiêm túc của quy tắc.
  • Bồi dưỡng thói quen tuân thủ quy tắc: Khi đưa ra các quy tắc thì cả gia đình phải kiên trì thực hiện các quy tắc đó.
     

3. Dạy trẻ không nên bỏ cuộc, tiếp tục phấn đấu

  • Thất bại chỉ là một trong những bước đệm của thành công. Khi trẻ thất bại trong một việc nào đó, cha mẹ nên xem xét kỹ nguyên nhân và khuyến khích, động viên trẻ tiếp tục cố gắng thay vì trách móc hay chê bai.
  • Cha mẹ nên khơi gợi động lực nội tại của trẻ để chúng hiếu học và vui vẻ học tập: Cho dù học cái gì thì cha mẹ cũng cần khơi gợi hứng thú cho trẻ thì trẻ mới kiên trì được, tuy nhiên nhiều cha mẹ áp đặt nguyện vọng của mình lên trẻ nên làm cho trẻ mất đi hứng thú học tập cũng như sự kiên trì.
  • Rèn luyện thói quen cho trẻ: Muốn trẻ kiên trì thì bất cứ việc gì cha mẹ cũng phải yêu cầu trẻ làm đến cùng, ví dụ như khi đọc truyện tranh thì trẻ phải đọc hết quyển này mới được sang quyển khác…
  • Cho trẻ nếm trải vất vả: Những đứa trẻ lớn lên trong sự bao bọc thì sẽ thiếu nghị lực, do vậy cha mẹ nên để trẻ tự nếm thử vất vả như tự đạp xe đi học…
     

4. Dạy trẻ biết chia sẻ với người khác

  • Không nuông chiều con cái: Có nhiều bậc cha mẹ vì thương con nên nhường hết những thứ gì ngon cho con, nếu trẻ muốn chia sẻ cha mẹ sẽ thường nói không ăn, lâu dần việc đó sẽ làm trẻ có ý thức hưởng thụ, độc chiếm cho riêng mình.
  • Không dành sự đặc biệt cho trẻ: Trong gia đình nên tạo môi trường công bằng giữa các thành viên nhằm ngăn chặn những thói quen ích kỷ. Cha mẹ nên dạy trẻ nghĩ đến mình thì cũng nghĩ đến người khác, đồ tốt phải biết chia sẻ với mọi người.
  • Cho trẻ nhận ra chia sẻ không phải là mất đi mà là cùng có lợi: Trẻ có tâm lý là chia sẻ chính là mất đi nên cha mẹ cần cho trẻ hiểu rằng chia sẻ không phải là mất đi mà khi mình chia sẻ giúp đỡ người khác thì mình cũng được người khác quan tâm, giúp đỡ.
  • Rèn luyện thói quen chia sẻ cho trẻ ngay từ nhỏ
  • Cho trẻ có cơ hội thực tiễn: Trong mọi hoạt động hàng ngày cha mẹ cần dạy trẻ cách chia sẻ với mọi người.
  • Lấy mình làm gương cho trẻ: Để trẻ thực hành tốt việc chia sẻ thì bản thân cha mẹ cũng cần làm gương cho trẻ.

5. Để trẻ tự đưa ra quyết định

  • Cho trẻ cơ hội phát biểu ý kiến: Nhiều cha mẹ có thói quen quyết định thay trẻ mà rất ít khi hỏi ý kiến của trẻ, trẻ con cũng có quan điểm của mình, cho dù trường hợp nào thì cha mẹ cũng nên để trẻ bày tỏ suy nghĩ và quan điểm của mình. Ví dụ: Khi đi chơi cha mẹ nên hỏi trẻ cần chuẩn bị những gì…
  • Dùng ngôn ngữ gợi ý thay vì ra lệnh: Nhiều cha mẹ có thói quen ra lệnh cho trẻ phải làm cái này hoặc cái kia, điều đó sẽ làm trẻ có tâm lý không vui khi bị ép buộc phải làm. Cha mẹ nên chuyển câu mệnh lệnh thành những gợi ý để trẻ cảm nhận đươc cha mẹ tôn trọng mình từ đó khơi gợi tính độc lập cho trẻ.

6. Để trẻ tự làm những việc nhỏ trong cuộc sống

  • Những việc trong phận sự trẻ cha mẹ không nên làm thay
  • Để trẻ tự làm, tự thỏa mãn nhu cầu cá nhân
  • Để lao động khơi gợi trí tuệ của trẻ: Trong khi làm việc đôi bàn tay sẽ bị chi phối bởi khối óc, tác động của đôi tay sẽ kích thích não hoạt động.
  • Đưa ra yêu cầu có kế hoạch làm việc cho trẻ: Khi yêu cầu trẻ lao động nên nhắc nhở trẻ suy nghĩ kỹ xem bản thân muốn làm gì, làm như thế nào là tốt nhất.
     

7. Dạy trẻ thói quen không viện cớ bao biện lỗi lầm của mình

  • Bồi dưỡng ý thức trách nhiệm cho trẻ, khi xảy ra chuyện để trẻ học cách tự chịu trách nhiệm: Cha mẹ cần dạy trẻ không nên viện lý do cho sự thất bại hoặc sai lầm của mình, dần dần trẻ sẽ học được thói quen tự chịu trách nhiệm về bản thân. Tuy nhiên cha mẹ cần cho phép trẻ phạm sai lầm để sửa sai.
  • Hãy nói với trẻ “ không nên viện cớ cho những sai lầm của mình, phải nghĩ cách để thành công”.
  • Ủng hộ, cổ vũ trẻ: Trẻ có biểu hiện tốt nên kịp thời khen ngợi và cổ vũ, khi trẻ phạm sai lầm nên cho trẻ có cơ hội gánh vác trách nhiệm.
  • Tránh trừng phạt mắng mỏ trẻ quá nghiêm khắc: Xử phạt sẽ khiến trẻ dễ thu mình và sợ hãy không dám đối mặt với trách nhiệm.
     

8. Giữ lời hứa với trẻ

  • Nói được phải làm được: Cần dạy trẻ khi hứa với ai đó thì cần phải làm bằng được, nếu không làm được thì cần thành khẩn nói rõ nguyên nhân và xin lỗi họ. Trước khi hứa với ai đó cần suy nghĩ kỹ xem mình có khả năng thực hiện không, tuyệt đối không được hứa bừa bãi.
  • Kịp thời cổ vũ: Khi con hoàn thành xuất sắc một công việc hay vượt qua được thử thách khó khăn thì cha mẹ cần biểu dương con.
  • Đúng giờ và giữ chữ tín: Cha mẹ cần rèn luyện cho con việc đúng giờ và giữ chữ tín qua các hoạt động hàng ngày.
  • Để trẻ biết chân lý của việc giữ chữ tín: Thông qua hình thức kể chuyện để trẻ hiểu rằng việc không giữ chữ tín sẽ khiến người khác tức giận, những người không giữ chữ tín thì không được người khác yêu mến. Cha mẹ cần đốc thúc trẻ thực hiện lời hứa của mình khi trẻ hứa với ai đó.

      -ST-

Bình luận

Tin tức mới Xem tất cả