Đăng ký tư vấn
Hỗ trợ trực tuyến

Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong trường mầm non

  30/11/2017

Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ giáo viên các trường mầm non  luôn quan tâm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ để những “búp măng non” phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.

 

Giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, là nền tảng đầu tiên của hệ thống giáo dục. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non tốt có tác dụng rất lớn đến chất lượng giáo dục ở bậc học tiếp theo. Giáo dục có tầm quan trọng rất lớn đối với con người nhất là tuổi mầm non bởi ở lứa tuổi này trẻ đang được hình thành lên nhân cách con người, đòi hỏi những nhà giáo dục trẻ phải là những con người có đạo đức, mẫu mực có trình độ chuyên môn, yêu nghề, mến trẻ, luôn là tấm gương sáng để trẻ noi theo. Bác Hồ kính yêu đã nói "Giáo dục mầm non tốt sẽ mở đầu cho nền tảng giáo dục tốt".

Với trách nhiệm lớn lao của người nhà giáo chúng tôi luôn suy nghĩ làm thế nào để nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được tốt bởi lứa tuổi này trẻ luôn tò mò, hoạt động nhiều, ham học hỏi, thích tự làm việc, khả năng tiếp thu kiến thức mới thông qua việc phát triển ngôn ngữ và tư duy logic phát triển nhanh, đòi hỏi người giáo viên phải linh hoạt sáng tạo khi tổ chức các hoạt động cho trẻ. Đây là nhiệm vụ quan trọng cần phải có sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường. Một trong những giải pháp được nhà trường thực hiện để nâng cao công tác chăm sóc giáo dục, nuôi dưỡng trẻ là tích cực đẩy mạnh là phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện gắn với các cuộc vận động do ngành giáo dục phát động. Đồng thời, đổi mới cách thức quản lý, thực hiện kỷ cương nề nếp trong dạy học và chăm sóc trẻ. 

Nhà trường còn nên quan tâm chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ giáo viên, sắp xếp công việc phù hợp với năng lực trình độ chuyên môn để giáo viên phát huy hết khả năng tâm huyết với công việc. Tổ chức đánh giá kết quả đúng quy trình, biểu dương khen thưởng kịp thời tạo động lực khuyến khích cán bộ, giáo viên nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.  Ngoài ra nhiều giáo viên có sáng kiến kinh nghiệm trong làm đồ dùng đồ chơi, tổ chức các hoạt động ngoài trời, giáo dục trẻ vận động bằng phương pháp mới.

Các nhà trường áp dụng phương pháp mới vào nuôi dạy trẻ

 

Cùng với những giải pháp trên, nhà trường nên chú trọng và làm tốt công tác tham mưu, xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp khang trang, đáp ứng yêu cầu dạy và học có phòng thể chất, phòng năng khiếu, thư viện...Để nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ nhà trường luôn chú trọng khâu nề nếp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hàng năm nhà trường còn tổ chức các hội thi "Giai điệu tuổi hồng", "Bé khỏe bé ngoan" tổ chức các ngày hội ngày lễ "Vui hội trăng rằm", "Tết Noel", tổ chức bữa tiệc Bufe trong những dịp lễ...rèn sự mạnh dạn tự tin cho trẻ. Chỉ đạo bên chuyên môn lồng ghép các trò chơi dân gian, các hoạt động thể dục, thể thao, rèn luyện kỹ năng giao tiếp trong giờ học, 100% các lớp có góc thực hành cuộc sống để dạy trẻ các kỹ năng cơ bản giúp trẻ mạnh dạn tự tin khi tham gia vào các hoạt động.

Lồng ghép các hoạt động học và vui chơi cho trẻ

Để thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong trường mầm non  Ban giám hiệu các trường đã đề ra một số nhiệm vụ trong tâm sau:

Một là: Xây dựng kế hoạch năm học; kế hoạch tháng; kế hoạch tuần; xây dựng chế độ sinh hoạt; xây dựng kế hoạch chuyên môn: cụ thể chương trình dạy cho các khối lớp phù hợp, sát với tình hình của trường và giao chỉ tiêu chất lượng cho từng khối, lớp. Chất lượng giao gắn với chỉ tiêu thi đua của lớp, của cá nhân vào cuối năm. Với biện pháp này giáo viên trăn trở, tìm tòi có nhiều biện pháp trong việc giáo dục trẻ, trong kế hoạch, phương pháp ôn luyện kiến thức cho trẻ thêm vào các thời điểm trong ngày.

Hai là: Chỉ đạo tích cực việc thực hiên: "Dạy thật - Học thật - Kết quả thật". Nhằm tạo cho giáo viên có tính chủ động, có nhiều biện pháp tích cực và hình thức sáng tạo trong các hoạt động chung... Nâng cao chất lượng giáo dục trẻ vấn đề đầu tiên đó là kết quả việc giáo dục. Bởi vậy tích cực hướng dẫn việc tổ chức dạy học có nề nếp là việc làm thường xuyên. Muốn thực hiện tốt việc " Dạy thật" thì mỗi giáo viên nghiêm túc thực hiện kế hoạch giáo dục trẻ, tổ chức đầy đủ các hoạt động trong ngày như: Hoạt động chung, hoạt động góc, hoạt động ngoài trời, hoạt động chiều. Soạn giáo án đầy đủ, đúng nội dung, yêu cầu về kiến thức, kỹ năng phát triển ngôn ngữ, trí tuệ, đạo đức thẩm mỹ cho trẻ. Biết lựa chọn vận dụng phương pháp giáo dục tích cực, tạo tình huống, cơ hội nhằm phát huy trí tuệ, tính sáng tạo của trẻ. Muốn có "Kết quả thật" thì giáo viên phải biết thực hiện tốt phương pháp dạy học tích cực, biết tạo mọi cơ hội để ôn luyện thêm kiến thức cho trẻ vào các thời điểm trong ngày. Bởi trẻ mầm non dễ nhớ, dễ quên nên hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ. " Học mà chơi, chơi mà học" là kết quả tốt nhất vì trong quá trình chơi giúp trẻ ôn luyện kiến thức mà trẻ được trải nghiệm được khám phá.

Cho bé vui chơi với chủ đề:  Học mà chơi, chơi mà học

Ba là: Đánh giá phân loại giáo viên để có kế hoạch bồi dưỡng thích hợp, đối với giáo viên có tay nghề còn non, giáo viên mới tuyển trong năm cần chú trong bồi dưỡng thêm phương pháp, kiến thức, kỹ năng sư phạm cách tổ chức hoạt động giáo dục một cách khoa học hiệu quả. Thông qua các hội giảng hội thi và đặc biệt khuyến khích giao viên tự học tập để nâng cao trình dộ chuyên môn. Đối với giáo viên khá - tốt, bồi dưỡng năng lực sư phạm, kỹ năng, tác phong, sự sáng tạo linh hoạt cho giáo viên mạnh dạn áp dụng các hình thức mới tạo hứng thú cho trẻ trong các giờ học.

Bốn là: Tổ chức hội thi: Hội thi là đỉnh cao của phong trào thi đua dạy tốt, học tốt. Vì vậy, phải có kế hoạch chỉ đạo thực hiện một cách nghiêm túc và khoa học. Trong năm qua đã tổ chức tốt các hội thi như: "Hội thi làm đồ dùng đồ chơi tự tạo"; Hội thi " Bảo vệ môi trường" cấp trường; Hội thi " Giáo viên dạy giỏi" cấp trường. Qua các hội thi rút ra được nhiều kinh nghiệm về nâng cao chất lượng giáo dục và là dịp để giáo viên, các cháu thể hiện những tài năng của mình và có sự học hỏi lẫn nhau; Năng lực sư phạm được nâng lên rõ rệt.

Thường xuyên tổ chức phong trao thi đua dạy tôt học tốt

Năm là: Tăng cường công tác kiểm tra đánh giá là một việc làm thường xuyên, kiểm tra bằng nhiều hình thức, kiểm tra toàn diện, chuyên đề, kiểm tra theo định kỳ, kiểm tra đột xuất. Kiểm tra toàn diện được100% giáo viên; Kiểm tra chuyên đề mỗi giáo viên kiểm tra 2 lần/năm. Qua kiểm tra, đã uốn nắn một số sai lệch của giáo viên trong công tác giáo dục. Từ đó có biện pháp chỉ đạo cụ thể giúp cho giáo viên ôn luyện kiến thức, xây dựng kế hoạch bối dưỡng giúp cho trẻ có chất lượng giáo dục tốt hơn.

Sáu là: Phối kết hợp với gia đình, cộng đồng để giáo dục trẻ là một việc làm cần thiết đối với trẻ mầm non, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học, chăm sóc, nuôi dạy trẻ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường. Bởi vậy, trường tổ chức phối kết hợp với phụ huynh qua các cuộc họp phụ huynh toàn trường qua hai lần trong năm; toàn trường xây dựng góc tuyên  truyền qua các góc tuyên truyền những điều cha mẹ cần biết nhằm giúp cho phụ huynh nắm được một số kiến thức giáo dục, rèn luyện cho trẻ có thói quen, hành vi văn minh trong giao tiếp, biết yêu thương quý trọng cô giáo, bố mẹ, người lớn. Có thói quen nề nếp trong học tập, trong các hoạt động, từ đó chất lượng giáo dục được tăng lên, trẻ năm vững các kiến thức, kỹ năng, trả lời hồn nhiên, nhanh nhẹn, mạnh dạn, tự tin.

Với việc thực hiện các biện pháp trên đã góp phần trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở bậc mầm non . Thành tích mà các nhà trường đạt được là niềm vui, nền tảng để khuyến khích động viên tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nỗ lực phấn đấu hơn nữa trong sự nghiệp trồng người, góp phần ươm những mầm non phục vụ cho sự phát triển của quê hương đất nước trong thời kỳ mới.

Nguồn: Sưu tầm

 

 

Bình luận

Tin tức mới Xem tất cả