Đăng ký tư vấn
Hỗ trợ trực tuyến

RÈN TRẺ TỰ LẬP TRONG BỮA ĂN TẠI TRƯỜNG

  09/10/2018

RÈN LUYỆN TRẺ TỰ LẬP TRONG BỮA ĂN TẠI TRƯỜNG

            Giáo dục trẻ ngay từ những giai đoạn đầu đời từ 0 – 6 tuổi mang vai trò rất quan trọng đến việc phát triển và hình thành nhân cách trẻ sau này. Việc giáo dục cách ăn uống cho con cũng là vấn đề nhiều phụ huynh cần phải tìm hiểu, một trong những vấn đề đó là làm thế nào để rèn cho trẻ tự lập trong bữa ăn tại trường mầm non.

            Việc tổ chức bữa ăn trưa cho trẻ ở các trường mầm non là mối quan tâm đáng lo của nhiều cha mẹ khi không được sát sao trông nom con. Thường trong các bữa ăn của trẻ, giáo viên mới chỉ chú ý làm sao cho trẻ ăn hết xuất và ăn ngon miệng chứ chưa quan tâm đến vấn đề tập cho trẻ kỹ năng sống và nhất là kỹ năng tự lập, tự phục vụ.

            Kỹ năng tự phục vụ là điều căn bản của việc hình thành nhân cách sống cho trẻ. Khi được tập luyện sẽ giúp trẻ từng bước tự tin hơn không chỉ trong ăn uống mà còn trong giao tiếp, học tập.

Description: Kết quả hình ảnh cho bữa ăn mầm non

Ảnh: Internet

            Đối với tâm sinh lý trẻ em dưới 6 tuổi thì có nhiều kỹ năng quan trọng mà trẻ cần phải biết và được tập luyện trước khi tập trung vào học văn hoá. Thực tế kết quả của nhiều nghiên cứu đều cho thấy các kỹ năng quan trọng nhất trẻ phải học ở lứa tuổi mầm non chính là những kỹ năng sống như: tính tự lập, tự kiểm soát, tính tự tin, khả năng tự phục vụ, khả năng thấu hiểu và giao tiếp.

1. Những kỹ năng tự phục vụ cơ bản cha mẹ cần rèn cho trẻ

- Kỹ năng tự phục vụ bằng cách tập cho trẻ những việc vừa sức như:

            + Tham gia sắp bàn ăn, xếp ghế, lau bát đũa.

            + Biết tự rửa tay sạch sẽ trước khi ăn.

            + Chỉ ăn uống tại bàn ăn.

            + Biết cách sử dụng những đồ dùng, vật dụng trong ăn uống một cách đúng đắn.

            + Thái độ ăn uống gọn gàng, không rơi vãi, nhai nhỏ nhẹ không gây tiếng ồn.

            + Biết giúp người lớn dọn dẹp sau khi ăn xong. 

            Đây là một trong những kỹ năng quan trọng nhất cần có ở trẻ vào giai đoạn này. Cha mẹ cần hiểu rõ tâm lý của trẻ cũng như sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để hình thành kỹ năng sống cho trẻ.

            Để trẻ có được những kỹ xảo, thói quen sử dụng đồ dùng một cách chính xác, thuần thục và khéo léo, không chỉ đòi hỏi trẻ phải thường xuyên luyện tập, mà còn phải đáp ứng được những nhu cầu của trẻ, đó là cung cấp cho trẻ những mẫu hành vi văn hóa, những hành vi đúng, đẹp, văn minh của chính cha mẹ và những người xung quanh trẻ. Cụ thể: Trẻ được làm quen với những đồ dùng, vật dụng khác nhau, (bộ đồ bếp, bộ đồ ăn, bộ đồ uống). Sự sạch sẽ, gọn gàng, một thói quen nề nếp, sự sắp đặt ngăn nắp, ngay ngắn những bộ đồ dùng, vật dụng, thái độ, ăn uống từ tốn, không vội vã, không khí cởi mở, thoải mái và đầm ấm, những cuộc trao đổi nhẹ nhàng, dễ chịu… tất cả những yếu tố trên sẽ giúp trẻ có thói quen tốt để hình thành kỷ năng tự phục vụ và ý nghĩa hơn là kỹ năng sống tự lập sau này. Chứ cha mẹ đừng vì nuông chiều con mà làm cho trẻ từ A - Z.

Description: Kết quả hình ảnh cho trẻ giúp bố mẹ dọn cơm

Ảnh: Internet

            Bên cạnh đó, cha mẹ trẻ cần phối hợp với giáo viên một cách chặt chẽ và hợp lý bằng việc tình nguyện tham gia vào quá trình giáo dục trong nhà trường. Cha mẹ nên tham gia vào các buổi trao đổi với giáo viên, tham gia các buổi họp của nhà trường để nắm bắt được tình hình và cùng với nhà trường giáo dục trẻ một cách toàn diện hơn. 

2. Tác động của người lớn trong gia đình

            Đối với lứa tuổi mẫu giáo trẻ chưa biết hành vi nào xấu, hành vi nào tốt, điều cần làm trước hết là người lớn phải là tấm gương sáng, yêu thương, tôn trọng, đối xử công bằng với trẻ và đảm bảo an tòan cho trẻ.

            Về việc tập cho trẻ kỹ năng tự phục vụ, quan trọng nhất khi cho trẻ ăn chính là cho bé tự lập. Nếu ông bà, cha mẹ cứ xúc cho trẻ ăn sẽ tạo cho các trẻ thói quen không tốt, chính các trẻ này thường rơi vào tình trạng biếng ăn, chúng tôi gặp rất nhiều.

            Tập cho trẻ thói quen tự phục vụ trong ăn uống tốt chính là đến bữa ăn cho bé ngồi cùng mâm với cả gia đình. Bé sẽ bắt chước mọi người, khi cả nhà gắp và ăn món gì thì bé sẽ ăn theo. Như vậy trẻ ăn được đa dạng các loại thực phẩm. Thứ hai, trong khi ăn không được cho bé đùa nghịch, xem TV mà chỉ tập trung vào ăn.

            Cần duy trì việc tổ chức bữa ăn có khoa học, đảm bảo chất lượng, đồ dùng phục vụ bữa ăn đảm bảo đầy đủ, tạo bầu khí vui tươi thoải mái khi ăn và duy trì sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình. Đây là hai môi trường hoạt động của trẻ do đó cần phải thống nhất về yêu cầu – nội dung – phương pháp chăm sóc và giáo dục trẻ, có như vậy mới hình thành được ở trẻ thói quen ăn uống có văn hoá, vệ sinh, cũng như các kỹ năng sống sau này.

Nguồn: Sưu tầm

Bình luận

Tin tức mới Xem tất cả