Đăng ký tư vấn
Hỗ trợ trực tuyến

DẠY CON GỌI TÊN CẢM XÚC

  08/01/2019

            Hoạt động giao tiếp luôn được xem là vấn đề trọng tâm đối với sự phát triển của trẻ. Khi trẻ có được thành công trong việc kết nối cùng người khác, các tác động liên nhân cách sẽ giúp trẻ hình thành những hành vi mang tính xã hội, phù hợp với chuẩn mực chung và đồng thời giải quyết được các nhu cầu bậc cao của bản thân mình. Có nhiều yếu tố tác động đến khả năng giao tiếp của trẻ, một trong những yếu tố đó là việc “gọi đúng tên cảm xúc”. Đây là yếu tố ảnh hưởng một cách trực tiếp đến việc trẻ lựa chọn được hành vi giao tiếp phù hợp, tuy nhiên, trong giáo dục con cái, phụ huynh hầu như chưa quan tâm vấn đề này một cách đúng mức.

Description: https://blog.prudential.com.vn/videos/14/image-thumb__292__content/14.4.jpeg

            Việc gọi tên cảm xúc có thể được xem là khâu mấu chốt để trẻ có hành vi phù hợp trong tương tác cùng người khác. Sự nghèo nàn, thiếu hụt những tên gọi chính xác dành cho cảm xúc được hình dung như việc bạn chụp ảnh trắng – đen, trong khi cuộc sống thì muôn màu, muôn vẻ. Sự hạn định các cung bậc cảm xúc trong những từ mô tả đơn điệu như “buồn”, “vui” có thể làm cho vấn đề mà trẻ gặp phải không được giải quyết một cách chính xác và triệt để. Từ đó, các “tồn dư” cảm xúc sẽ khiến cho trẻ rơi vào trạng thái không thỏa mãn, lâu dần tạo nên những ức chế tác động tiêu cực đến việc hình thành tính cách ở trẻ.

            Với vai trò là người bạn lớn, người Thầy đầu tiên, cha mẹ có thể giúp con nhận diện cảm xúc của mình như thế nào?

1. Cải thiện chính mình

            Trước hết, sự phong phú trong việc gọi tên cảm xúc phải được hình thành ở chính phụ huynh. Cha mẹ cần làm điều này bằng cách tự nâng cao vốn hiểu biết của mình về trí tuệ cảm xúc (EQ). Bản thân cha mẹ phải là người có thể tự gọi tên cảm xúc của mình, thấu cảm được chính mình và có những ứng xử phù hợp trước các cảm xúc đó. Điều này được coi như một năng lực đảm bảo cho việc bạn đồng hành cùng con mình một cách thành công, giúp được con và tạo niềm tin cho con trong việc ứng phó với những cảm xúc mình gặp phải. Năng lực này phải được phụ huynh chuyển hóa thành thông tin giao tiếp, thể hiện thường xuyên khi tương tác cùng con hoặc cùng người khác. Chẳng hạn, đừng chỉ dùng những từ “bực mình”, “rất giận” khi nói về quan hệ giữa bạn với một ai đó, hãy chia sẻ câu chuyện ấy theo đúng (hoặc gần đúng nhất) với bản chất cảm xúc hiện hữu: “cảm thấy lo lắng”, “cảm thấy không an toàn”, “cảm thấy thất vọng”, “cảm thấy bị làm phiền”,… Chính khi thực hiện điều này, bạn đã đồng thời cung cấp cho con của mình một minh chứng sống động về việc chi tiết và cụ thể hóa cảm xúc mà mình đang gặp phải.

2. Đọc sách cùng con

Description: https://blog.prudential.com.vn/videos/14/image-thumb__289__content/14.3.jpeg

            Sách với các câu chuyện sinh động là nguyên liệu quý giá để bạn giúp trẻ hình dung về những cảm xúc có thể có. Việc đọc sách có chủ đích sẽ mang đến những lợi tức rất lớn cho trẻ. Trong việc nhận diện cảm xúc, hãy trò chuyện cùng trẻ những điều mà các nhân vật đang gặp phải: “Tấm cảm thấy tủi thân khi bị đối xử khắc nghiệt”, “Mẹ của Thánh Gióng khi thấy con mình ăn bao nhiêu cũng không no thì rất lo lắng”, “Dế Mèn hối hận vì trò đùa của mình đã làm cho bạn phải thiệt thân”, “Cậu bé người gỗ Pinocchio vừa hào hứng nhưng cũng rất hồi hộp khi cô tiên ban phép màu để bạn ấy trở thành người thật”,… tất cả những thông tin này có giá trị rất lớn để trẻ có những hình dung ban đầu về các cung bậc cảm xúc của cuộc sống.

3. Từ sách đến với đời thật

            “Lý thuyết thì màu xám còn cây đời thì mãi mãi xanh tươi”, vậy nên hãy để trẻ cảm thụ tất cả những điều mình biết về cảm xúc qua những tình huống sinh động của cuộc sống. Cha mẹ hãy dành cơ hội để trẻ được trải nghiệm sự “thất vọng” khi điều trẻ mong muốn không xảy ra, đừng cố tạo nên một vỏ bọc hoàn hảo để trẻ không bị “lo lắng” khi đứng ra gánh vác trách nhiệm cho con, trẻ cần được hiểu về sự “háo hức” bằng cách cho trẻ một thông tin thú vị về điều trẻ thích sắp diễn ra; sao phải ngại ngần để trẻ hiểu thế nào là sự “cảm thương” khi được tiếp xúc với những mảnh đời bất hạnh và đừng quá lo lắng về một sự việc bất ngờ đến với trẻ vì trẻ cần trải nghiệm cảm xúc “kinh ngạc”,…

4. Thay vì qui gán hãy đặt câu hỏi cho con

Description: https://blog.prudential.com.vn/videos/14/image-thumb__290__content/14.1.jpeg

            Một thói quen thường bắt gặp ở các bậc cha mẹ khi giao tiếp cùng con là sự “nói thay” cho con về điều con đang gặp. “Con giận hả?”, “Con vui à?”, “Con ương bướng quá đó!” là những câu nói được phụ huynh đặt ra thường xuyên cho con mình. Điều này làm cho trẻ hoặc là mặc định cảm xúc của mình theo lời cha mẹ, hoặc là bị bức bối nhưng không có cách giải tỏa cảm xúc thật sự của mình. Giáo dục gia đình phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng “tính cá biệt của từng cá nhân” và được thực hiện bằng phương thức cơ bản là “trò chuyện, hỏi – đáp”. Cha mẹ chỉ nên đặt câu hỏi khơi gợi cho con mình để các cảm xúc mà trẻ đang có được “lộ diện” một cách chính xác. Từ đó, giải pháp cho vấn đề mới có thể được lựa chọn một cách tối ưu. Những câu hỏi mà cha mẹ áp dụng trong cuộc trò chuyện có thể là:

- " Chuyện gì đã xảy ra với con?” – nhằm thu thập thông tin. 

- “Con cảm thấy như thế nào?” – giúp trẻ mô tả lại trạng thái của mình.

- “Con muốn làm điều gì?” – củng cố lại thông tin để biết được chính xác cảm xúc đó là gì thông qua nguyện vọng của trẻ.

- “Con có nghĩ là mình đang… (một từ mô tả cảm xúc) không?” – cung cấp, hỗ trợ con trong việc đặt tên cảm xúc.
 

5. Giúp con “làm chủ” cảm xúc

            Điều này không có nghĩa là triệt tiêu cảm xúc của trẻ. Nhiều phụ huynh nghĩ rằng, việc để trẻ duy trì 1 trạng thái cảm xúc “bình thường” là điều tuyệt vời, là minh chứng cho việc làm chủ cảm xúc, là sự an toàn tuyệt đối nhằm tránh những xao động trong tình cảm, cảm xúc của trẻ. Đây thực sự là ngộ nhận. Sẽ nguy hiểm biết bao khi trẻ luôn bình thường trước mọi tình huống! Một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế và biết rung động không phải đáng nuôi dưỡng hơn một đời sống nội tâm đơn điệu và trơ lì sao?! Vấn đề cần làm không phải triệt tiêu cảm xúc mà là ứng xử với nó. Cha mẹ hãy giúp con mình có những phương thức giải tỏa tích cực với những cảm xúc mà trẻ gặp phải. Bùng nổ sự tức giận bằng một môn thể thao không đối kháng (bơi lội, bắn cung, múa,…), giải bày những ưu tư bằng cách viết thư, nhật kí; xem một bộ phim phù hợp với độ tuổi để khỏa lấp sự chán nản; vẽ tranh, tô màu để thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực đang bủa vây; đàn, hát cũng là một hoạt động có thể lựa chọn để ổn định sự hào hứng đang xuất hiện,…

Description: https://blog.prudential.com.vn/videos/14/image-thumb__291__content/14.2.jpeg

            Nhận diện cảm xúc, một lần nữa được chúng tôi nhấn mạnh sự quan trọng đối với tiến trình phát triển của trẻ. Bởi lẽ, sự thành công của một người phụ thuộc rất nhiều vào việc bản thân người ấy có đủ sự tinh tế để cộng hưởng với cảm xúc của người khác, trong các mối quan hệ của mình hay không; và điều này, điểm khởi đầu nằm ở bước “gọi tên cảm xúc của chính mình”.

Nguồn: Chuyên gia Giáo Dục- Thạc sĩ Tô Nhi A

 

Bình luận

Tin tức mới Xem tất cả