Đăng ký tư vấn
Hỗ trợ trực tuyến

NUÔI DẠY TRẺ HẾT NHÚT NHÁT

  25/04/2019

           Từ trước đến nay, nhắc đến nhút nhát chúng ta thường nghĩ đó là tính từ mang tính tiêu cực, và đa phần chúng ta mặc định một đứa trẻ nhút nhát là một đứa trẻ kém cỏi. Không ít phụ huynh nói với người khác ngay chính trước mặt con mình rằng: “Cháu nó nhát lắm” với thái độ e ngại và ngượng ngùng

            Chị Vũ Thị Thu Hằng hiện là trưởng phòng phát triển tiềm năng học sinh của một trường quốc tế tại TP. HCM và cũng là người có nhiều năm tiếp xúc với những em bé “nhút nhát” đã có những chia sẻ rất tâm huyết về vấn đề này.

            Chị Thu Hằng cho biết, trong hành trình làm giáo dục đến thời điểm này, chị gặp vô số những em bé "nhút nhát" và sâu sắc nhận ra rằng: Nếu cha mẹ và thầy cô không thực sự hiểu nhút nhát nghĩa là gì thì dễ dẫn đến những đứa trẻ có nét tính cách này lớn lên với rất nhiều khó khăn.

            Thực ra, nhút nhát là nhược điểm hoặc ưu điểm tùy thuộc vào cách ta nuôi dạy đứa trẻ ấy.

Khi nhút nhát là ưu điểm

            Nhút nhát không phải là hành vi xấu, chẳng có gì sai khi trẻ có một cá tính trầm lắng, chẳng có gì sai khi trẻ thích nghe nhiều hơn nói.

            Khi bạn có một đứa con "nhút nhát", đừng bao giờ coi rằng đó là một nhược điểm của con bạn, và đừng bao giờ nói với người khác trước mặt con bạn "Nó nhát lắm" - đó là cách bạn dán nhãn lên con mình với ngầm ý rằng con đang có vấn đề, rằng nhút nhát là sai, là tiêu cực. Những đứa trẻ trầm lắng là những đứa trẻ có nội tâm yên bình, bên ngoài không rực rỡ mà lại tỏa sáng "bên trong".

Description: nuoi day tre nhut nhat nhu the nao

            Vậy làm thế nào để cha mẹ nhận ra con nhút nhát bình yên hay nhút nhát tiêu cực? Hãy quan sát đứa trẻ đó, nếu con giao tiếp với mọi người xung quanh bằng mắt, dễ thương khi chơi cùng bạn, con chỉ im lặng chứ không sợ hãi - thì chúng ta chẳng có gì phải tác động để lôi kéo con vào đám đông, để con nói nhiều hơn cho năng nổ hơn.

            Nếu người khác nhận xét con bạn "bé rụt rè, nhút nhát", hãy trả lời "đúng rồi, con rất trầm tính". Nếu người khác nhận xét rằng "bé ít nói lắm", hãy khẳng định rằng "Vâng, con rất tập trung". Điều này cũng quan trọng với giáo viên khi nhận xét về trẻ với phụ huynh, nếu không hiểu đúng trẻ, rất dễ làm phụ huynh lo lắng dẫn đến các tác động tiêu cực trong quá trình nuôi dưỡng.

Khi nhút nhát là nhược điểm và cách đối xử với trẻ

            Đối với một số trẻ, biểu hiện nhút nhát không phải là "bình yên nội tại" mà lại là phản ứng với nỗi sợ từ bên trong. Những đứa trẻ này thường có biểu hiện chạy trốn khỏi người khác, né tránh giao tiếp bằng mắt và khi người khác cố gắng tới gần, con sẽ phản ứng giận dữ hay sợ hãi.

            Ở một số trẻ, nhút nhát lại là biểu hiện của tính thụ động. Trẻ thích được dán nhãn nhút nhát, để an toàn lùi về sau và không giao tiếp với mọi người. Trẻ né tránh các giao tiếp xã hội, không thích tham gia vào các hoạt động tập thể. Đối với những trẻ này, vỏ ốc "nhút nhát" mà mọi người quy chụp lại khiến trẻ cảm thấy an toàn và từ đó tránh né kỹ năng giao tiếp. Nếu không tác động, trẻ sẽ lớn lên với bản tính thụ động, chây lì, thiếu tính cầu tiến.

Description: nuoi day tre nhut nhat nhu the nao

Một số cách đối xử với trẻ nhút nhát

            Nếu con bạn là một đứa trẻ nhút nhát tích cực - đứa trẻ bình yên nội tại, thì hãy cảm ơn cuộc đời. Những đứa trẻ nhu mì, trầm lắng sẽ làm cho thế giới bình yên và xinh đẹp hơn. Thường xuyên ôm trẻ, vuốt ve và nói những lời yêu thương với trẻ. Đừng ép chúng trở nên rộn ràng hơn, năng nổ hơn ...như con nhà người khác.

            Khi tiếp xúc với những trẻ nhút nhát, rụt rè né tránh người khác, người lớn chúng ta thường không kìm được cảm giác nôn nóng chạy lại thúc giục trẻ, đẩy chúng về phía trước. Càng cố gắng thúc giục trẻ, chúng ta càng làm cho trẻ rụt rè hơn. Vậy thì có những cách nào để giúp trẻ năng động, nuôi dưỡng sự tự tin hơn? Cùng tham khảo một số gợi ý:

1. Hãy để con luôn cảm thấy thoải mái, đừng tạo áp lực cho con. Cụ thể là đừng đẩy con tới với người lớn con không quen. Đây là lỗi thường gặp của cha mẹ, khi bạn bè, họ hàng tới nhà, cha mẹ thì quen chứ con có biết đâu, đừng ép con phải tỏ ra dễ thương với người lạ. Thay vì thế, hãy giới thiệu với con người lạ bằng giọng nhẹ nhàng, khuyến khích người lạ chơi món đồ chơi gì đó ở gần con và con sẽ tự bị thu hút để đến kết bạn.

2. Đưa con đến những nơi có nhiều em bé, ở lại với con, cùng con chơi đùa, luôn tạo cho con cảm giác an toàn, có ba mẹ gần bên trong thời gian đầu. Khi con quen dần, có thể nhích xa hơn, để con độc lập trong một khoảng thời gian con có thể chịu được, và dần dần tăng dần thời gian lên. Đừng "đánh lừa" con và biến mất đột ngột.

Description: nuoi day tre nhut nhat nhu the nao

3. Tránh an ủi con thái quá, động viên con kiểu "con đừng sợ", "có gì đâu mà sợ..." (bé mới chuẩn bị sợ thôi mà mẹ nói quá nên con sợ luôn). An ủi quá, nói quá nhiều để trấn an, khiến trẻ có cảm giác hình như đáng sợ thật, làm con càng nhát hơn. Thay vào đó hãy ôm con bạn và thì thầm "mẹ ở đây với con rồi, con yên tâm nhé".

4. Khen ngợi hành vi khi con giao tiếp, khi ai đó hỏi con mà con trả lời, khi con chủ động chào bạn, ...hãy khen con "Mẹ thích cách con trả lời cô A lắm. Con thấy không, cô đã rất vui khi con nói chuyện với cô"...

5. Khi ở bên con, hãy làm gương, mô phỏng các tình huống xã hội để con học hỏi. Chẳng hạn mẹ chủ động bắt chuyện với người khác, luôn tươi cười với xung quanh và dạn dĩ xung phong trong các cuộc chơi. Có một số trường, các cô hay tổ chức các cuộc vui dành cho con cái và cha mẹ, các cuộc vui này cô khuyến khích ba mẹ chủ động xung phong tham gia để con cảm thấy tự hào vì ba mẹ, để con nhìn ba mẹ mà bắt chước chủ động dạn dĩ trong các cuộc chơi tập thể.

6. Cho con bạn thấy bạn tin vào con và sẵn sàng ở bên con khi con gặp bất cứ vấn đề gì với xung quanh. Chẳng hạn như có ai đó nhận xét về con ngay trước mặt con như là "bé có vẻ nhát nhỉ" "con trai gì mà mắc cỡ như con gái vậy", hãy thay con trả lời " con không nhát đâu, lúc đầu con vậy chứ lát nữa là con tham gia liền "....

7. Đừng bao giờ so sánh con với bạn bè, hay anh chị em nhé "nhìn kìa, bạn chơi một mình có sợ đâu".

8. Cho con tham gia vào các tổ chức, lớp học vui vẻ, đòi hỏi tương tác và có giáo viên năng động, tâm lý. Hãy tích cực trao đổi với cô để có sự phối hợp giữa gia đình và giáo viên.

Sưu tầm

Bình luận

Tin tức mới Xem tất cả