Đăng ký tư vấn
Hỗ trợ trực tuyến

Bắt cóc trẻ em và những cách thiết thực để phòng tránh "ác mộng" này

  08/06/2017

Trong thời gian vừa qua, hàng loạt những vụ bắt cóc trẻ em xảy ra, điều này đã trở thành một cơn ác mộng đối với nhiều gia đình.

Sở dĩ những kẻ bắt cóc chọn trẻ em làm đối tượng hàng đầu vì các bé còn nhỏ, khả năng phản kháng yếu ớt không đủ để thoát thân.

Bắt cóc trẻ em trở thành một cơn ác mộng với nhiều gia đình. (Ảnh: Internet)
Bắt cóc trẻ em trở thành một cơn ác mộng với nhiều gia đình. (Ảnh: Internet)

Thông thường, khi nghe thấy con mình bị bắt cóc, phụ huynh đều đồng ý với những yêu cầu của kẻ thủ ác. Trước tình trạng nạn bắt cóc trẻ em trở nên phổ biến như hiện nay, nhà trường và gia đình nên dạy cho trẻ những kĩ năng cơ bản để bảo vệ bản thân khi đột ngột bị bắt cóc. Đồng thời, các bậc phụ huynh cũng cần giữ bình tĩnh để bảo vệ con mình khi bé đã bị bắt cóc, tránh "vẽ đường cho hươu chạy". 

Với các phụ huynh, nếu chẳng may con mình đã bị bắt cóc thì nên giữ bình tĩnh, không được hoảng loạn vì sẽ rất dễ khiến bản thân cũng như trẻ rơi vào tình huống nguy hiểm. Cần bí mật trình báo với cơ quan chức năng, tuy nhiên người trình báo không được là bản thân cha mẹ của trẻ vì có thể kẻ bắt cóc đang ở gần đó và quan sát gia đình, nên nhờ người thân hay bạn bè trợ giúp, bí mật liên lạc với công an để tránh kẻ thủ ác bị động mà ra tay nhẫn tâm với trẻ. Không nên tự ý sắp xếp cũng như thỏa hiệp với kẻ bắt cóc, vì rất có thể để che giấu tội ác của mình mà họ đã giết chết con tin nhưng vẫn nhận tiền chuộc. 

Khi nhận được điện thoại từ kẻ bắt cóc, các bậc phụ huynh nên biết cách "hoãn binh", kéo dài thời gian giao nhận tiền chuộc để có thể trình báo và nhận hướng dẫn từ công an. Đặc biệt, cần phải xác định được rằng con mình vẫn còn an toàn bằng cách yêu cầu được nghe giọng nói của con, để bé kể lại những kỉ niệm với gia đình, như vậy cũng có thể giúp bé an tâm rằng gia đình không bỏ mặc mình. Khi đã nhận được thông tin địa điểm giao dịch tiền chuộc, phụ huynh nên nghe theo chỉ dẫn của công an. Quan trọng chính là, cha mẹ của con tin nên thuyết phục đối tượng bắt cóc để chúng biết rằng gia đình sẽ giao tiền chuộc nếu trẻ được an toàn, đồng thời cũng kéo thêm thời gian để công an xử lí tình huống khi giao dịch.

 
 

Với trẻ em, nhà trường và gia đình nên dạy trẻ những kĩ năng cơ bản để bảo vệ bản thân như không được đi theo người lạ dù cho họ có dụ dỗ bằng bánh kẹo, chỉ được đi theo họ khi đã được sự cho phép của bố mẹ. Nên hạn chế công khai hình ảnh của con mình lên mạng xã hội nhằm ngăn chặn việc những kẻ bắt cóc nắm được thông tin và ra tay với bé. 

Dạy cho trẻ biết không nên đi theo người lạ, dù người đó có dùng cách gì để dụ dỗ. (Ảnh: Internet)
Dạy cho trẻ biết không nên đi theo người lạ, dù người đó có dùng cách gì để dụ dỗ. (Ảnh: Internet)

Phụ huynh nên tạo ra những tình huống thực tế như nhờ những người bạn thân thiết với gia đình mà trẻ ít gặp mặt đến nhà và nói chuyện với trẻ, cha mẹ có thể đứng từ xa để quan sát xem con mình xử lí tình huống thế nào, có nghe theo lời dụ dỗ của người lạ hay không. Nên dạy trẻ không nên gào khóc, sợ hãi nếu gặp nguy hiểm, nếu đã bị bắt cóc thì nên có thái độ phối hợp, để kẻ bắt cóc yên tâm mà không ra tay nhẫn tâm với bé. Nếu trẻ bị ép buộc, nên dạy bé phải biết hét thật to rằng mình bị bắt cóc để nhận được sự giúp đỡ của mọi người xung quanh. 

Cha mẹ nên dạy cho bé cách nhớ số điện thoại của mình, căn dặn trẻ khi được cho phép mới được đến một nơi nào đó, nếu không thì không được tự ý rời khỏi nhà. Khi có người lạ gõ cửa thì bé phải lập tức gọi cho bố mẹ để đảm bảo an toàn cho bản thân. 

Với các trường học, cần có sự quản lí chặt chẽ việc đưa và đón học sinh, nếu có người lạ đến đón bé thì giáo viên hay bảo mẫu phụ trách phải gọi cho gia đình để xác minh tránh các đối tượng bắt cóc giả dạng thành người thân để bắt cóc bé.  

-ST-

Bình luận

Tin tức mới Xem tất cả