Đăng ký tư vấn
Hỗ trợ trực tuyến

‘Con có làm sai thì vẫn là con của mẹ’ - câu ‘thần chú’ bảo vệ trẻ khỏi xâm hại tình dục

  19/03/2019

            Làm thế nào để trang bị kiến thức cho con, để từ đó con tự bảo vệ mình, phòng tránh khỏi xâm hại tình dục, quấy rối tình dục là điều nhiều cha mẹ trăn trở, băn khoăn.

            Trước câu hỏi này, tại tọa đàm Phòng chống bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái – Nhận diện cơ hội và thách thức do CSAGA tổ chức vừa qua tại Hà Nội, TS. Khuất Thu Hồng cho rằng tình yêu thương vô điều kiện của cha mẹ sẽ là “tấm lá chắn” hoàn hảo bảo vệ con khỏi xâm hại tình dục và cũng là “liều thuốc” chữa lành vết thương khi sự việc ở thế đã rồi.

TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS).

            Khi được hỏi trực giác, linh cảm của người mẹ đóng vai trò quan trọng như thế nào trong bảo vệ con khỏi lạm dụng tình dục và trong trường hợp con đã bị lạm dụng, TS. Khuất Thu Hồng khẳng định những bậc cha mẹ gần gũi, thương yêu con thì luôn luôn có trực giác.Trực giác không quan trọng bằng sự quan tâm

            Nhưng ngay cả khi cha mẹ không có điều kiện chăm sóc con một cách thường xuyên và chu đáo, thì trực giác của người cha người mẹ đó vẫn có. Nhờ trực giác mà bố mẹ nhìn thấy những biểu hiện của con mình, những sự im lặng, lo lắng, sợ hãi, mỏi mệt.

            Tuy nhiên TS. Khuất Thu Hồng cho rằng trực giác là một phần nhưng sự quan tâm lại là điều quan trọng hơn cả. TS. Khuất Thu Hồng chia sẻ: “Trực giác có thể mách bảo bạn điều này đúng nhưng ngược lại nó cũng khiến bạn lo lắng hơn mức cần thiết. Ở đây, sự quan tâm mới là điều quan trọng. Nếu phát hiện bất cứ biểu hiện không bình thường của con mình, bố mẹ phải hỏi. Sự hỏi, sự quan tâm của bố mẹ phải như thế nào để đứa trẻ dám cởi mở, dám chia sẻ lại là điều quan trọng thứ hai.

            Trong nghiên cứu của tôi về quấy rối tình dục, xâm hại tình dục trẻ, thái độ của cha mẹ, người nhà với vấn đề ấy sẽ quyết định việc đứa trẻ có dám nói ra và dám bộc lộ đến đâu. Nếu cha mẹ, người thân ngay từ đầu có thái độ phán xét, làm quá vấn đề thì đứa trẻ sẽ không dám nói ra sự thật.

            Sự trách cứ, đổ lỗi bắt đầu ngay trong gia đình, có thể những câu hỏi như: “tại sao lại đi đến chỗ ấy làm gì”, “biết nó như thế sao còn đi với nó” hay những câu mắng mỏ, cấm đoán, sẽ khiến trẻ có tâm lí giấu nhẹm, không dám chia sẻ, không dám bộc bạch và câu chuyện đó cứ bị im lặng ngay cả đối với người thân của trẻ”.

            Cũng theo TS. Khuất Thu Hồng, cha mẹ không thể canh chừng con 24/7, điều quan trọng là bố mẹ hành động như thế nào, trang bị cho con cái gì, khi sự việc xảy ra thì cha mẹ xử sự, giải quyết ra sao để giúp con mình vượt qua những câu chuyện đáng buồn như vậy.

            Cũng có những bố mẹ lựa chọn việc che đậy, muốn giữ gìn bộ mặt của mình, danh tiếng của gia đình và có cả những bố mẹ muốn đưa câu chuyện ra ánh sáng, đi đến cùng để đòi lại công bằng và gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho xã hội.


            Trước rất nhiều vụ việc trẻ bị xâm hại tình dục, quấy rối tình dục, nhiều bậc cha mẹ hoang mang vì không biết phải bảo vệ con thế nào. Theo TS. Khuất Thu Hồng, cha mẹ cần để con thấy rằng cha mẹ yêu thương con vô điều kiện.“Yêu thương con vô điều kiện” là cách bảo vệ con hữu hiệu nhất

            “Con có làm sao thì con vẫn là con của mẹ, mẹ vẫn là mẹ là của con. Mẹ sẽ bảo vệ con đến cùng, cho đến khi toàn thế giới này chống lại con thì vẫn có mẹ ở đây. Dù con làm sai hay làm đúng thì mẹ vẫn bảo vệ con”, TS. Khuất Thu Hồng nói.

            Trong câu chuyện về xâm hại tình dục, TS. Khuất Thu Hồng nhấn mạnh thái độ của cha mẹ quyết định rất cả: “Nếu chuyện đáng tiếc đó xảy ra và bố mẹ nói với con rằng ‘con vẫn là con của mẹ, con hoàn toàn có thể ngẩng cao đầu, con hoàn toàn có quyền sống mạnh mẽ’, thì đứa trẻ sẽ như vậy. Chính thái độ này của gia đình sẽ làm thay đổi thái độ của người xung quanh. Ngược lại nếu chúng ta xấu hổ, tìm cách che đậy, làm mọi thứ để câu chuyện chìm xuồng thì đứa trẻ càng không bao giờ ngẩng đầu được lên”.

            Chia sẻ về phương pháp giáo dục giới tính cho con, TS. Khuất Thu Hồng chia sẻ cô chọn cách giáo dục để con có thể tiếp cận thông tin ngay từ trong gia đình. “Không cần phải gọi con ra một chỗ riêng để nói chuyện thì mới gọi là giáo dục. Bố mẹ hãy kể những câu chuyện đi vào cuộc sống một cách tự nhiên, mua sách vở để xung quanh con, con sẽ tìm đọc.

            Có thể thảo luận với một người khác trong gia đình về vấn đề đó, nhưng cho con nghe được những quan điểm của bố mẹ. Trẻ sẽ không nói, không tham gia vào, nhưng trẻ tiếp nhận hết những điều đó”.

Sưu tầm

Bình luận

Tin tức mới Xem tất cả