Đăng ký tư vấn
Hỗ trợ trực tuyến

KHÔNG PHẢI BÉ PHẢI HỌC GIỎI TOÁN MỚI LÀ THÔNG MINH

  18/09/2017

KHÔNG PHẢI BÉ PHẢI HỌC GIỎI TOÁN MỚI LÀ THÔNG MINH

Bé đã vào tiểu học, nhiều bậc phụ huynh sẽ không khỏi lo lắng vì bé không thích học, hay bé không đạt được điểm cao trong lớp.

“Tại sao bé học nói, bắt chước người lớn rất nhanh và đến lúc đi học bé lại không theo kịp các bạn?”

“Bé hiếu động và nghịch ngợm quá, bé không chịu học liệu có phải là bé không thông minh bằng các bạn?”

Lên lớp 4, lớp 5, nếu bé không làm được bài toán theo cô,chắc chắn phụ huynh lại bối rối, đau buồn:

“Bé kém toán, vậy là bé kém thông minh rồi! Phải bắt bé học thêm nhà cô, thuê gia sư, cho bé luyện thật nhiều để “bằng bạn bằng bè” thôi, không thì “ê mặt” bố mẹ!”

“Ngày xưa bố mẹ học toán dễ như thế mà tại sao bây giờ giảng mãi bé vẫn không hiểu? Bé không thông minh như bố mẹ rồi!”

Đó là cách suy nghĩ, hành động của đa số phụ huynh hiện nay, nhưng liệu suy nghĩ ấy có chắc chắn đúng không?

Câu trả lời là Không! Có vẻ người lớn còn đặt nặng thành kiến rằng phải giỏi các môn khoa học như Toán, Lý, Hóa, Tin,.. mới là thông minh. Còn các môn xã hội như Văn, Ngoại ngữ,... hay các môn năng khiếu nghệ thuật như Vẽ, Âm nhạc, Thể dục thể thao thì sao?

Gần đây cuốn sách “Seven kinds of Smart” (7 loại hình thông minh) của Thomas Armstrong lập lại lý thuyết của GS Howard Gardner đã cho thấy một sự thật là không chỉ giỏi các môn học cơ bản về khoa học mới được kể là thông minh, mà cả những tài năng khác về vận động, khéo tay, tiếp cận thiên nhiên… đều đáng được ghi nhận, và nếu được khơi dậy, bồi dưỡng đúng mức, sẽ đem lại lợi ích đáng kể cho người sở hữu nó cũng như cho xã hội.

Lý thuyết về 7 loại hình thông minh cũng sẽ giúp ta tìm ra câu trả lời chính xác cho những trường hợp có sự “đối chọi” nhau giữa các khả năng của các bé trong lớp, tại sao cùng một lớp cùng một cô mà có bé làm toán giỏi, bé lại viết văn hay?

Trước tiên, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu 7 loại hình thông minh là gì?

  1. Trí thông minh ngôn ngữ: người có khả năng về ngôn ngữ, có thể tranh luận, thuyết phục, trình bày vấn đề một cách rõ ràng, mạch lạc. Họ có thể trở thành các bậc thầy về đọc và viết. Nói dễ hiểu, đây là trí thông minh của những học sinh giỏi Văn.

  2. Trí thông minh logic – toán học: đây là trí thông minh của các nhà khoa học, kế toán, nhà lập trình máy tính. Những nét tiêu biểu nhất của người thiên về trí thông minh logic – toán học gồm có khả năng xác định nguyên nhân, chuỗi các sự kiện, cách tư duy theo dạng nguyên nhân – kết quả, khả năng sáng tạo các giả thuyết, tìm ra các mô hình số học hoặc quy tắc, “số hoá” mọi vấn đề dựa trên các khái niệm, đồng thời ưa thích các quan điểm dựa trên lý trí trong cuộc sống nói chung.

  3. Trí thông minh không gian – hình / khối: đây là loại trí thông minh liên quan đến suy nghĩ thông qua hình và khối. Đó là mảnh đất sáng tạo của các kiến trúc sư, nhà nhiếp ảnh, nghệ sĩ tạo hình, những nhà thiết kế… Người sở hữu loại trí thông minh không gian ở mức độ cao thường nhạy cảm một cách sắc bén với những chi tiết cụ thể trực quan và có thể hình dung được một cách sống động, vẽ ra hay phác họa những ý tưởng của họ dưới dạng hình ảnh, đồ hoạ, cũng như họ có khả năng tự định hướng bản thân trong không gian 3 chiều một cách dễ dàng.

  4. Trí thông minh âm nhạc: đặc điểm cơ bản của loại trí thông minh này là khả năng cảm nhận, thưởng thức và tạo ra các tiết tấu và nhịp điệu. Người ta nhận xét rằng trí thông minh về âm nhạc có trong tiềm thức của bất cứ cá nhân nào với nhiều mức độ khác nhau. Điều này giải thích cho hiện tượng hầu như tất cả chúng ta đều thích nghe nhạc.

  5. Trí thông minh vận động thân thể / khéo tay: các vận động viên thể thao, những người làm nghề thủ công, những thợ cơ khí, các bác sĩ phẫu thuật là những người sở hữu loại hình thông minh này. Cũng thuộc loại này, diễn viên hài vĩ đại Charlie đã sử dụng tài năng để thực hiện nhiều động tác biểu diễn tài tình. Các cá nhân thuộc loại tài năng vận động thân thể cũng có thể kể đến thợ thêu may, nghề thợ mộc hay nghề tạo mẫu. Hoặc họ có thể ham thích và theo đuổi những hoạt động của cơ thể như đi bộ đường dài, khiêu vũ, chạy bộ, cắm trại, bơi lội hoặc đua thuyền. Họ là những người thực hành, nhạy cảm, thường xuyên muốn vận động cơ thể của họ và có “phản ứng bản năng” với các tình huống, sự vật.

  6. Trí thông minh năng lực tương tác: đây là năng lực hiểu và làm việc được với những người khác. Người có trí thông minh này có khả năng cảm nhận và dễ chia sẻ với tâm trạng, tính cách, ý định và mong muốn của những người khác. Trong thực tế, họ rất tuyệt vời với vai trò của người môi giới, quản trị, người hoà giải hoặc là thầy giáo.

  7. Trí thông minh năng lực tự nhận thức bản thân hoặc trí thông minh nội tâm: Một người mạnh mẽ về loại trí tuệ này có thể dễ dàng tiếp cận và nhìn rõ được những cảm xúc của chính bản thân mình, phân biệt được giữa nhiều loại trạng thái tình cảm bên trong và sử dụng chính những hiểu biết về bản thân mình để làm phong phú thêm và vạch ra con đường cho cuộc đời mình. Đây là trí thông minh tiêu biểu của các nhà cố vấn, nhà thần học, những triết gia. Họ có thể là người có tính độc lập mạnh mẽ, thẳng thắn cao độ và cực kỳ tự giác, có kỷ luật. Trong bất cứ trường hợp nào, họ thuộc dạng tự lập và thích làm việc một mình hơn là làm việc nhóm cùng với người khác.

Trong thực tế, mỗi người đều sở hữu ít nhất 1 trong 7 loại trí thông minh (có nhiều người sở hữu 2, 3 hoặc thậm chí 4 loại). Hơn thế nữa, một cách lý tưởng là bất kỳ một người bình thường nào cũng có thể phát triển một trong số 7 loại trí thông minh nói trên của tư duy đến một mức độ đáng kể và trở thành chuyên gia.

Những ví dụ tiêu biểu là Giáo sư Tiến sĩ Toán học Đặng Đình Áng (Đại học Saigon) còn là nghệ sĩ thổi sáo khá nổi tiếng, bác sĩ Socrates thành viên đội tuyển bóng đá quốc gia Braxin năm 1982, tuyển thủ quốc gia Đức Paul Breitner là Chuyên gia Tâm lý, vv…

Mặt khác có một số người có vẻ như đã phát triển và đạt đến một trình độ cao chỉ một loại trí thông minh nào đó, trong khi các loại trí thông minh khác của họ lại phát triển chậm hơn nhiều và kém hẳn. Đây chính là những nhà bác học của thế giới loài người. Những người giống như nhân vật Raymond trong bộ phim The Rain Man (Người đàn ông trong mưa) đã đoạt giải Oscar, đây là những người có thể tính toán các con số bằng tốc độ của ánh sáng nhưng không thể tự chăm sóc bản thân họ. Hay những cá nhân sở hữu tài năng về điêu khắc song lại không thể đọc được, hay có những người có khả năng xướng âm một cách hoàn hảo nhưng lại cần người khác giúp buộc dây giày của họ.

Hiểu được 7 loại hình thông minh này, quý vị phụ huynh sẽ không còn phải sốt ruột “Bé thích vẽ và vẽ cũng đẹp quá, bé viết văn cũng hay được cô khen, nhưng bé kém toán thế này thì sau này có thể làm gì chứ?!” Nếu bé nhà bạn trong trường hợp trên thì chắc chắn bé thiên về trí thông minh xã hội của não phải, của sáng tạo nghệ thuật, của trí thông minh ngôn ngữ và không gian - hình khối.

Hoặc “Bé mới bé tí mà đã khó tính, thích sắp xếp, không thích chơi với các bạn, chỉ thích ngồi chơi một mình?” thì có thể bố mẹ không những không cần lo lắng, mà còn nên mừng vì bé có Trí thông minh năng lực tự nhận thức bản thân hoặc trí thông minh nội tâm - là một loại hình trí thông minh khá hiếm đấy.

Bố mẹ không nên bắt ép con phải theo loại hình thông minh thông thường, sẽ khiến bé bị áp lực.

Thay vào đó, phụ huynh nên tìm hiểu, xác định trí thông minh của con bằng cách cho bé tham gia nhiều hoạt động, lớp học ngoại khóa. Phụ huynh cũng có thể cho bé tham gia các chương trình học Kỹ năng sống giúp tìm và phát huy điểm mạnh của bé, cũng như phát triển đầy đủ các kỹ năng của trí thông minh khác, khuyến khích bé phát triển theo đúng năng lực sở trường một cách tự nhiên nhất.

Nếu bạn đã biết bé thuộc loại hình trí thông minh nào, nhưng lại không biết hướng để có thể giúp bé phát triển tốt nhất khả năng của mình, Chơi 1 biết 2 xin được gợi ý những ngành nghề phù hợp để bạn có thể định hướng cho bé ngay từ bây giờ nhé:

 

STT

Loại trí thông minh của bạn

Ngành nghề phù hợp

01

Ngôn ngữ

Khoa học Xã hội Nhân văn (Văn, Sử, Địa)

02

Toán học – Logic

Khoa học Tự nhiên (Toán, Lý , Hoá, Sinh), Kế toán – Tài chính, Tài nguyên / Môi trường, Lập trình viên

03

Không gian – Hình/Khối

Mỹ thuật, Thiết kế Đồ họa / Thời trang, Nhiếp ảnh, Quay phim

04

Âm nhạc

Nhạc viện, Thiết kế Đa phương tiện

05

Vận động thân thể – khéo tay

Thể dục Thể thao, Mỹ thuật Ứng dụng

06

Năng lực tương tác

Quản trị Kinh doanh, Quan hệ Công chúng, Sư phạm

07

Thông minh Nội tâm

Tâm lý học

 

Hãy nhớ, không phải  bố mẹ nghiêm khắc, hiểu rõ cuộc sống và hướng con theo nhu cầu, xu hướng của xã hội là tốt đâu bạn nhé, một ông bố, bà mẹ tuyệt vời sẽ là “người bạn lớn” hiểu rõ con, và khích lệ con phát triển theo đúng thiên hướng của mình.

Chúc bé và gia đình luôn hạnh phúc bên nhau!

Bình luận

Tin tức mới Xem tất cả